Sự phát triển của thai nhi theo từng tuần trong bụng mẹ luôn là một điều kì diệu mà ai mang thai lần lần đầu cũng cảm thấy tò mò, kì lạ. Mẹ luôn hào hứng, mong ngóng được biết hình hài lớn dần của con trong mẹ. 41 tuần này là chặng đường đầu tiên của mẹ đồng hành cùng con, dõi theo con qua từng tuần tuổi để chăm sóc, bảo vệ con một cách tốt nhất.

Bảng tổng kết khái quát sự phát triển của thai nhi qua từng tuần tuổi
Tuần |
Cân nặng (g) |
Chiều dài (cm) |
Sự phát triển / cử động đặc biệt |
Tuần |
Cân nặng (g) |
Chiều dài (cm) |
Sự phát triển / cử động đặc biệt |
1 – 4 | Trứng được thụ tinh, phôi thai được hình thành và phát triển | 23 | 501 | 28,9 | Đã trông giống như trẻ sơ sinh | ||
5 – 6 | Hệ thần kinh hình thành | 24 | 600 | 30,0 | Bé tiếp nhận nhiều âm thanh hơn | ||
7 | Phôi thai hoàn thiện,
nhịp tim rõ ràng |
25 | 660 | 34,6 | Bé có da có thịt hơn | ||
8 | 1 | 1,6 | Chân tay dần định hình | 26 | 760 | 35,6 | Dần hình thành lớp mỡ dưới da |
9 | 2 | 2,3 | Đã có hình dáng con người | 27 | 875 | 36,6 | Hệ thống hô hấp phát triển |
10 | 4 | 3,1 | Đuôi phôi thai biến mất | 28 | 1005 | 37,6 | Lịch trình ngủ và thức dậy của bé rõ ràng |
11 | 7 | 4,1 | Chân tay đã có thể gập, uốn cong | 29 | 1153 | 38,6 | Bé có thể chớp mắt |
12 | 14 | 5,4 | Bé có thể đá, vươn người, nấc nhưng mẹ chưa thể cảm nhận | 30 | 1319 | 39,9 | Não bộ phát triển |
13 | 23 | 7,4 | Phản xạ thai nhi xuất hiện | 31 | 1502 | 41,1 | Lượng nước ối giảm |
14 | 43 | 8,7 | Cơ thể thai nhi phát triển hoàn thiện | 32 | 1702 | 42,4 | Bé có thể xoay đầu từ bên này sang bên kia |
15 | 70 | 10,1 | Xung não thai nhi phát triển, cử động da mặt | 33 | 1918 | 43,7 | Cân nặng thai tăng nhanh |
16 | 100 | 11,6 | Thai nhi cảm nhận được ánh sáng | 34 | 2146 | 45,0 | Thành phần xương trong hộp sọ chưa hợp nhất |
17 | 140 | 13,0 | Mẹ cảm nhận được bé đạp | 35 | 2383 | 46,2 | Hệ thần kinh, phổi gần hoàn thiện |
18 | 190 | 14,2 | Dây rốn chắc và dày hơn | 36 | 2622 | 47,4 | Thận phát triển đầy đủ |
19 | 240 | 15,3 | Phát triển dây thần kinh | 37 | 2852 | 48,6 | Thai nhi phát triển đầy đủ về thể chất |
20 | 300 | 16,4 | Bé có thể nghe |
38 |
3083 | 49,8 | |
21 | 360 | 25,6 | Hệ tiêu hoá hoạt động | 39 | 3288 | 50,7 | |
22 | 430 | 27,8 | Mẹ cảm nhận được lịch hoạt động của thai | 40 | 3462 |
51,2 |
*** 1 số kí hiệu chỉ số siêu âm thai nhi
GSD (mm) – đường kính túi thai
CRL (mm) – tuần 8 – 20 chiều dài đầu – mông; tuần 21 – 40 chiều dài đầu – chân
FL (mm) – chiều dài xương đùi
BPD (mm) – đường kính lưỡng đỉnh là đường kính lớn nhất ở mặt cắt vòng của đầu thai nhi
HC (mm) – chu vi đầu
EFW (g) – khối lượng thai
Nội dung
1. Tuần 1
Trứng đã được thụ tinh sẽ được nuôi dưỡng và nâng đỡ bởi lớp niêm mạc của tử cung. Nếu sự thụ tinh không diễn ra thì lớp niêm mạc này sẽ bong ra theo máu đi ra ngoài trong kỳ kinh tiếp theo. Tuần thai đầu tiên sẽ được bắt đầu tính vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng.
2. Tuần 2
Nếu có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn 28 ngày thì bạn sẽ rụng trứng vào khoảng tuần này. Trứng được thụ tinh trong vòng 12 đến 24 giờ sau khi tinh trùng đi vào tử cung và gặp được trứng. Tiếp tục quá trình thụ thai, trứng đã được thụ tinh di chuyển trong ống dẫn trứng đồng thời phân chia thành nhiều tế bào đi vào tử cung và xâm nhập sâu dần vào lớp niêm mạc tử cung. Sự kiện này bắt đầu cho hàng loạt phản ứng sinh học tiếp theo.

3. Tuần 3
Trứng đã thụ tinh giờ là hàng trăm tế bào nhân lên với tốc độ nhanh chóng làm tổ trong lớp niêm mạc tử cung giàu chất dinh dưỡng, tổ chức này gọi là phôi nang. Cơ thể mẹ nhận được tín hiệu, sản xuất HCG – hormone thai kỳ nhắc buồng trứng ngừng giải phóng trứng và sản xuất tiết ra Oestrogen, Progesterone – hormone giúp duy trì và nuôi dưỡng thai nhi trong suốt quá trình mang thai.

4. Tuần 4
GSD 3 – 6 mm. Túi phôi nang mang đầy ADN của bố mẹ chính thức gọi là phôi thai, nhau thai bắt đầu hình thành giữ vai trò quan trọng trong nuôi dưỡng bào thai. Tuy kích thước vẫn còn bé hơn hạt gạo nhưng mỗi tế bào đã được lập trình sẵn cho các chức năng riêng. Các biện pháp thử thai tại nhà giờ sẽ cho kết quả dương tính.

5. Tuần 5
GSD 6 – 12 mm. Bé chỉ bé bằng hạt vừng, trông giống con nòng nọc. Hệ thống tuần hoàn bắt đầu hình thành, nhịp tim của bé xuất hiện và có thể đập với tốc độ nhanh gấp 2 lần nhịp tim của mẹ.

6. Tuần 6
GSD 14 -25 mm. Bé bằng hạt đậu xanh (4 – 7 mm). Bào thai có miệng, mũi, tai dần được định hình. Mẹ có thể thực hiện lần khám thai đầu tiên để gặp bé.

7. Tuần 7
GSD 27 mm. Bé bằng hạt đậu phộng đã lớn gấp đôi (9 – 15 mm, 0,5 – 2 gam). Cánh tay, cẳng chân đang phát triển; bàn tay, bàn chân nhỏ xíu như mái chèo; đuôi thai vẫn còn nhưng sẽ sớm biến mất.
Thực hiện siêu âm để xác định tim thai, chiều dài phôi thai, kích thước túi ối so sánh tiêu chuẩn xem thai nhi có đang phát triển tương ứng với tuổi thai.

8. Tuần 8
GSD 29 mm. Bạn nhỏ giờ bằng quả mâm xôi, cân nặng khoảng 1 gam, chiều dài 16 – 22 mm. Bạn ấy bắt đầu có những chuyển động nhưng mẹ chưa thể cảm nhận được. Tế bào thần kinh bắt đầu phân thành các nhánh hình thành nên hệ thống thần kinh sơ khai. Ống hô hấp hình thành nối dài bắt đầu từ họng đến phổi đang phát triển.

9. Tuần 9
GSD 33 mm. Bé lớn bằng quả cherry 23 – 30 mm, nặng 2 gam. Bé đã mang hình dáng của con người, hình thái cơ bản phát triển đầy đủ.

10. Tuần 10
Bé có chiều dài từ đầu đến mông 31 – 40 mm, lớn gần bằng quả dâu 4 gam. Đuôi bào thai đã biến mất. Trọng lượng còn nhẹ nhưng đây là khoảng thời gian bạn ấy sắp tăng cân nhanh chóng.

11. Tuần 11
Bé có chiều dài 40 – 50 mm, nặng 7 gam lớn bằng quả chanh ta. Bạn nhỏ đã hoàn thành tốt những phần quan trọng nhất của quá trình phát triển. Lớp da vẫn trong mờ nhưng đã có sự gập duỗi tay chân và hình thành các chi tiết nhỏ như dái tai, móng tay.

12. Tuần 12
BDP 21 mm, FL 8 mm, HC 70 mm. Bé có cân nặng 14 gam, chiều dài từ đỉnh đầu tới mông là khoảng 45 – 70 mm. Bé có hình hài gần như hoàn chỉnh. Bé có thể đá chân, duỗi người không còn co tròn như trước, ngoài ra cơ hoành đang phát triển nên thậm chí bé có thể nấc.
Mốc khám thai phát hiện bệnh Down. Đồng thời dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể thông qua khoảng sáng sau gáy.

13. Tuần 13
BDP 25 mm, FL 11 mm, HC 84mm. Tuần này bé nặng khoảng 23 gam, chiều dài khoảng 70 – 80 mm. Bắt đầu có các phản xạ thai nhi, bạn ấy cảm nhận được khi mẹ sờ vào bụng mặc dù mẹ vẫn chưa thể cảm nhận được cử động của bạn. Các ngón tay của bạn có thể gập duỗi, ngón chân có thể cong, miệng có thể thực hiện động tác mút.

14. Tuần 14
BDP 28 mm, FL 15 mm, HC 98 mm. Quý đầu của thai kỳ đã kết thúc, giờ cân nặng của bé là 43 gam, chiều dài 80 – 90 mm, bé lớn bằng quả táo. Vân tay đã xuất hiện trên những ngón tay bé xinh, qua lớp da mỏng có thể nhìn thấy rõ các tĩnh mạch, cơ quan nội tạng. Nếu thai nhi là bé gái, thì có thể buồng trứng của bé đã có hơn 2 triệu trứng.

15. Tuần 15
BDP 32 mm, FL 15 mm, HC 111 mm. Cân nặng của bé lúc này là khoảng 70 gam, chiều dài từ đỉnh đầu tới mông là 90 – 110 mm. Não của bé nhỏ đã có thể phát đi các xung động thần kinh và bé cũng đã có thể vận động các cơ vùng mặt. Qua hình ảnh siêu âm mẹ còn có thể thấy bé đang mút ngón tay cái nữa.

16. Tuần 16
BDP 35 mm, FL 21 mm, HC 124 mm. Thai nhi cân nặng khoảng 100 gam, chiều dài 110 -120 mm. Mắt của bé chưa thể mở nhưng vẫn có thể cảm nhận ánh sáng. Khi mẹ chiếu ánh sáng vào bụng thì bé sẽ thực hiện cử động né tránh. Vào tuần này, siêu âm sẽ cho mẹ xác định giới tính của bé.

17. Tuần 17
CRL 130 mm, BDP 36 mm, FL 23 mm, HC 137 mm, EFW 150 – 212 g. Da đầu bạn nhỏ đã được tạo hình nhưng vẫn chưa có tóc. Đầu của bạn nhỏ đã thẳng hơn, tai thì đã dịch chuyển đến gần đúng vị trí. Đôi chân nhỏ đã bắt đầu khoẻ hơn, đạp mạnh hơn chút, giờ thì mẹ đã cảm nhận được bạn ấy rồi.

18. Tuần 18
CRL 142 mm, BDP 39 mm, FL 25 mm, HC 150 mm, EFW 185 – 261 g. Bộ xương của bạn nhỏ lúc trước là sụn mềm giờ đang dần được hoá xương, bạn nhỏ có thể dễ dàng vận động các khớp. Dây rốn phát triển càng ngày càng khoẻ và dày hơn.
Khoảng tuần thai 16 – 18, mẹ bầu nên siêu âm để phát hiện các hình thái bất thường về mặt, mũi, chân, tay,… như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng tay chân,… Từ đó có thể can thiệp kịp thời.

19. Tuần 19
CRL 153 mm, BDP 43 mm, FL 28 mm, HC 162 mm, EFW 227 – 319 g. Mẹ cảm nhận được các cử động nhỏ duỗi tay, duỗi chân của bé. Các dây thần kinh trong bé thì được hình thành thêm lớp bảo vệ myelin xung quanh.

20. Tuần 20
CRL 164 mm, BDP 46 mm, FL 31 mm, HC 175 mm, EFW 275 – 387 g. Cả 5 giác quan: khứu giác, thị giác, vị giác, xúc giác và thính giác đều đang đồng thời phát triển. Đặc biệt ở thời điểm này bé bắt đầu có thể nghe mẹ nói, mẹ có thể kể chuyện,trò chuyện với bé, hát cho bé nghe.

21. Tuần 21
CRL 267 mm, BDP 50 mm, FL 34 mm, HC 187 mm, EFW 399 g. Hệ thống tiêu hoá bắt đầu hoạt động. Bé nuốt nước ối rồi theo quá trình tiêu hoá sản sinh ra phân su màu đen, phần mà bạn ý thải ra ngoài qua hậu môn trong lần đầu tiên ra khỏi bụng mẹ.

22. Tuần 22
CRL 278 mm, BDP 53 mm, FL 36 mm, HC 198 mm, EFW 478 g. Giờ thì những cử động nhỏ của bé đều đủ mạnh để tác động vào thành tử cung, nhờ đó mà mẹ có thể cập nhật, đoán được lịch hoạt động của bé.
Mốc khám thai kiểm tra khuyết tật bẩm sinh, dị tật bẩm sinh.

23. Tuần 23
CRL 289 mm, BDP 58 mm, FL 42 mm, HC 210 mm, EFW 568 g. Trải qua nhiều sự thay đổi, thai nhi giờ đã trông giống như một em bé sơ sinh, các bộ phận đầy đủ hoàn chỉnh nhưng vẫn còn nhỏ xíu. Điểm xét tính đặc biệt cho khuôn mặt như môi, lông mày đậm nét rõ ràng hơn tuy nhiên vẫn chưa xuất hiện sắc tố quyết định màu mắt cho bạn nhỏ.

24. Tuần 24
CRL 300 mm, BDP 61 mm, FL 44 mm, HC 221 mm, EFW 679 g. Đôi tai của bé đã nhạy cảm hơn, tiếp nhận được nhiều âm thanh. Thậm chí sau khi chào đời, bé đã có thể nhận biết được một số âm thanh mà bé đã được nghe khi ở trong bụng mẹ.
Giai đoạn thai kỳ tuần 24 – 28 là khoảng thời gian nên làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ.

25. Tuần 25
CRL 346 mm, BDP 64 mm, FL 47 mm, HC 232 mm, EFW 785 g. Bạn nhỏ trông có vẻ khá dài và gầy, da vẫn mỏng và mờ. Nhưng mẹ yên tâm bạn nhỏ sắp có nhiều thay đổi mới rồi đó.

26. Tuần 26
CRL 356 mm, BDP 67 mm, FL 49 mm, HC 242 mm, EFW 913 g. Lớp mỡ dưới da đang dần được hình thành, điều này giúp cho làn da của bé căng dần lên không còn nhăn nheo nữa. Tóc bắt đầu mọc với màu sắc, kết cấu rõ ràng.

27. Tuần 27
CRL 366 mm, BDP 69 mm, FL 52 mm, HC 252 mm, EFW 1055 g. Phổi chưa hoàn thiện nhưng đã bắt đầu thực hiện chức năng của nó, giúp bé hít vào, thở ra nước ối. Đây cũng chính là bài tập thực hành hô hấp không khí cho bé trước khi chào đời. Não bộ tiếp tục phát triển, lá gan và hệ miễn dịch vẫn yếu ớt.
Siêu âm kiểm soát các dị tật muộn xảy ra như giãn thận, não thất từ tuần thai 26 – 28.

28. Tuần 28
CRL 376 mm, BDP 72 mm, FL 54 mm, HC 262 mm, EFW 1210 g. Đã là tuần cuối quý hai thai kỳ, bạn nhỏ lúc này đã đi ngủ và thức dậy theo đúng thời gian biểu. Não bộ phản xạ linh động. Phổi chưa hoàn chỉnh nhưng đã có thể hoạt động bên ngoài tử cung trong trường hợp sinh non, đương nhiên là cần phải thêm sự trợ giúp của thiết bị y tế.

29. Tuần 29
CRL 386 mm, BDP 74 mm, FL 56 mm, HC 271 mm, EFW 1379 g. Thị giác của bạn nhỏ đang phát triển tốt, cảm nhận được ánh sáng, mắt bạn có thể chớp. Mi mắt tiếp tục được cải thiện, còn lông mi đã mọc lên rồi.

30. Tuần 30
CRL 399 mm, BDP 77 mm, FL 59 mm, HC 280 mm, EFW 1559 g. Toàn bộ cơ quan, đặc biệt có phổi hoạt động năng suất hơn để chuẩn bị sẵn sàng thích nghi với môi trường khác biệt mới ở bên ngoài bụng mẹ. Đầu bé cũng to dần ra, tạo không gian trống cho bộ não phát triển.

31. Tuần 31
CRL 411 mm, BDP 79 mm, FL 61 mm, HC 288 mm, EFW 1751 g. Bé đang lớn dần lên tương đương với lượng nước ối sẽ giảm dần đi.
Mẹ chú ý đây là mốc khám thai để xác định lần cuối các dị tật bẩm sinh và tiên lượng ngày sinh.

32. Tuần 32
CRL 424 mm, BDP 82 mm, FL 63 mm, HC 296 mm, EFW 1953 g. Bạn nhỏ ngày càng năng động hơn, xoay bên này xoay bên kia, rồi ngúc ngoắc cái đầu. Tay chân thì bụ bẫm, trông đáng yêu hơn bởi lớp chất béo bảo vệ cơ thể tích tụ dưới da.

33. Tuần 33
CRL 437 mm, BDP 84 mm, FL 65 mm, HC 304 mm, EFW 2162 g. Thai nhi từ tuần này sẽ có sự thay đổi vượt trội về mọi mặt. Mỗi tuần, mẹ có thể tăng đến 0,5 kg, một nửa số cân nặng này sẽ truyền thẳng đến thai nhi. Số cân mà thai nhi tăng lên trong khoảng thời gian 7 tuần còn lại của thai kỳ chiếm ⅓ đến ½ trọng lượng cơ thể của bé khi mới chào đời.

34. Tuần 34
CRL 450 mm, BDP 86 mm, FL 67 mm, HC 311 mm, EFW 2377 g. Các mảnh xương trong hộp sọ chưa được hợp nhất, chúng chỉ được nối với nhau thông qua các tổ chức sụn. Tuy nhiên điều này lại giúp cho thai nhi dễ dàng chui ra ngoài qua âm đạo. Các mảnh xương sọ vẫn không được hợp nhất hoàn toàn cho đến khi trưởng thành.

35. Tuần 35
CRL 462 mm, BDP 88 mm, FL 68 mm, HC 318 mm, EFW 2595 g. Hệ thống trung ương thần kinh và phổi đang trưởng thành. Bé sinh ra ở tuần tuổi này trở đi có thể lớn bình thường, khoẻ mạnh ít gặp các vấn đề sức khoẻ so với các bé sinh ra ở các tuần thai trước đó.
Từ tuần 35 trở đi mẹ nên đi khám thai 1 lần/1 tuần để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, đề phòng trường hợp suy thai.

36. Tuần 36
CRL 474 mm, BDP 90 mm, FL 70 mm, HC 324 mm, EFW 2813 g. Tử cung đối với bé giờ đã chật chội quá rồi mẹ ơi! Thận và gan phát triển hoàn chỉnh, có thể lọc, bài tiết, đào thải những chất cặn bã không cần thiết.
Trong vài tuần tiếp theo nếu mẹ thấy các dấu hiệu bất thường như thai ít đạp, 4 tiếng không thấy cử động hoặc không đáp ứng phản xạ lại khi mẹ lay vào bụng thì cần đi khám ngay để tránh nguy cơ suy thai.

37. Tuần 37
CRL 486 mm, BDP 92 mm, FL 72 mm, HC 330 mm, EFW 3028 g. Mỗi ngày bạn nhỏ tăng khoảng 30 gram. Cơ thể mất đi lớp màng mịn bảo bọc nhưng lại hình thành lên lớp sáp trắng (caseosa vernix) bảo vệ làn da.
Bé sắp đến với mẹ rồi! Chuẩn bị giỏ đồ đi sinh thôi nào!

38. Tuần 38
CRL 498 mm, BDP 94 mm, FL 73 mm, HC 335 mm, EFW 3236 g. Hai tuần tiếp theo não bộ và phổi sẽ hoàn thiện đầy đủ mọi chức năng cho bé sẵn sàng bước ra thế giới bên ngoài với mẹ.

39. Tuần 39
CRL 507 mm, BDP 95 mm, FL 75 mm, HC 340 mm, EFW 3435 g. Sắc tố màu mắt đến đây vẫn chưa phát triển hết. Vậy nên, nếu bé sinh ra với đôi mắt màu xanh thì chúng vẫn có thể sậm màu hơn, tối màu hơn cho đến khi bé được 1 tuổi.

40. Tuần 40
CRL 512 mm, BDP 97 mm, FL 76 mm, HC 344 mm, EFW 3619 g. Bạn nhỏ đã đủ tháng rồi, đã hoàn thành về mọi mặt thể chất. Nhưng cơ thể bạn nhỏ vẫn đang bận rộn sản sinh lượng chất béo cần thiết để hỗ trợ cho quá trình điều nhiệt khi bạn nhỏ tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

41. Tuần 41
Đã qua ngày dự sinh nhưng mẹ đừng lo lắng. Có thể mẹ nhớ nhầm ngày có kỳ kinh cuối dẫn đến tính sao ngày dự sanh hoặc đôi khi ngày rụng trứng trễ hơn dự đoán.
Nếu đã quá ngày dự sanh, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ làm một số xét nghiệm như siêu âm, đo tim thai, xét nghiệm không gắng sức để chắc chắn rằng mẹ vẫn có thể mang thai an toàn, bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé.
42. Tuần 42
Quá 2 tuần kể từ ngày dự sinh, mẹ và bé đang đối mặt với các nguy cơ biến chứng. Lúc này chắc chắn bác sĩ sẽ tư vấn mẹ thực hiện giục sinh, kích thích chuyển dạ.

Chuyển dạ và sinh em bé
Trải qua 9 tháng 10 ngày, cùng con xây dựng lên hình hài thiên thần nhỏ bé, trải qua cơn đau thập tử nhất sinh để sinh con ra, khoảnh khắc đầu tiên mẹ được nhìn thấy con, được chào đón con đến thế giới này là điều tuyệt vời kỳ diệu nhất đời mẹ.
Mang thai là một hành trình đặc biệt mà giai đoạn nào cũng hết sức quan trọng. Trong suốt quá trình mang thai dễ gặp những điều không mong muốn, không thể đoán trước, thường gặp các bệnh lý: tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, tiền sản giật, bệnh lý tuyến giáp,… Vì vậy mẹ nên thăm khám thai đúng định kỳ, tham khảo các tư vấn của bác sĩ. Các lần khám sẽ là cơ hội cho mẹ để tìm hiểu thêm về sự phát triển của thai nhi nhi qua từng tuần tuổi, đồng thời cũng là để kiểm tra lại sức khoẻ của mẹ và thai nhi kịp thời phát hiện sớm các bất thường để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên mẹ đừng nên lo lắng nhiều nhé, bé của mẹ đang rất hạnh phúc vì đang được ở bên mẹ, được mẹ che chở bảo vệ an toàn.
Bài viết này hy vọng đã giúp mẹ có cái nhìn tổng quan về quá trình phát triển của thai nhi qua từng tuần tuổi, giúp mẹ hiểu hơn về thai nhi để chăm sóc thai nhi tốt hơn.
Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh!