Cách quấn chăn cho bé ngủ ngon đang là một trong những từ khóa được mẹ bỉm sữa tìm kiếm nhiều nhất hiện nay. Bởi chỉ với một vài thao tác đơn giản, mẹ đã có thể dễ dàng dỗ em bé nhà mình “say giấc nồng”, bản thân mẹ lại có thêm nhiều thời gian rảnh để giải quyết các việc lặt vặt khác. Vậy cách quấn chăn như thế nào đúng chuẩn, cần chuẩn bị những gì trước khi quấn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cặn kẽ trong bài viết dưới đây.
Nội dung
1. Chuẩn bị những gì trước khi quấn chăn?
Các bước chuẩn bị không có quá nhiều công đoạn, quan trọng nhất vẫn là việc chọn lựa một chiếc chăn phù hợp với con. Chất liệu, kích thước và độ dày là 3 tiêu chí chính yếu mẹ cần lưu tâm.
- Chất liệu: Vải cotton 100% hoặc vải cotton muslin (hay còn gọi là vải xô) là những cái tên mẹ nên chọn lựa. Những loại vải này không chỉ an toàn đối với làn da non nớt của con, mà còn có được sự mát mẻ, thoáng khí. Điều này giúp con không cảm thấy bí nóng, ngột ngạt, đặc biệt vào những ngày hè nóng nực.

- Kích thước: Mẹ nên ưu tiên chọn các mẫu chăn hình vuông thay vì hình chữ nhật. Chăn hình vuông sẽ giúp mẹ không bị giới hạn về diện tích khi quấn, chiều dài các cạnh bằng nhau nên mẹ có thể linh hoạt áp dụng nhiều cách quấn chăn phù hợp cho con.
- Độ dày: Tùy vào khí hậu, mẹ cần cân nhắc chọn các loại chăn dày hoặc mỏng để quấn chăn cho con. Thông thường, chăn dày sẽ phù hợp để quấn vào mùa đông, thời tiết lạnh. Còn vào mùa hè, các loại chăn mỏng nhẹ nên được ưu tiên, đảm bảo việc quấn chăn luôn khiến con thoải mái, dễ chịu.
Nếu không tự tin về sự khéo léo của bản thân, mẹ cũng có thể tìm mua các mẫu chăn được thiết kế dạng bao tải, phong thư,… vừa tiện lợi vừa cực kỳ dễ dùng.
2. Hướng dẫn cách quấn chăn ngủ ngon theo các giai đoạn phát triển của trẻ
Theo từng giai đoạn phát triển, trẻ sẽ dần có sự thay đổi về mặt thể chất, hành vi, cử chỉ. Do vậy, việc áp dụng linh hoạt các cách quấn chăn phù hợp với mỗi thời kỳ sẽ giúp con vào giấc ngủ nhanh hơn, giấc ngủ cũng thoải mái, an yên hơn.
2.1. Quấn chăn mô phỏng vòng tay mẹ khi cho bé ăn
Đây là cách quấn chăn tốt cho trẻ sơ sinh nhẹ cân, tương đương với bé độ tuổi từ 1 – 2 tuần, vàng da, có lượng đường huyết thấp, đang học bú sữa mẹ và cần nhiều tương tác da kề da. Quấn chăn kiểu này giúp mẹ có một khoảng nghỉ ngơi sau khi cho con ăn, đặc biệt lúc mẹ đang trong quá trình phục hồi sau sinh.
Cách thực hiện:
Bước 1: Mẹ sử dụng chăn hình vuông, trải chăn sao cho phần góc vuông bất kỳ hướng lên trên. Gấp phần đỉnh xuống hướng đến vị trí tâm của chăn.

Bước 2: Đặt em bé lên chăn đã trải sẵn sao cho phần đầu nằm ngoài phạm vi chăn. Dùng một tay đặt và giữ tay phải bé cố định ở ngực, sử dụng tay còn lại để từ từ quấn phần chăn bên phải theo hướng bao phủ từ vai bé xuống vòng qua dưới cánh tay trái. Chuyển bé sang tư thế nằm nghiêng để giấu phần chăn thừa xuống lưng.

Bước 3: Vuốt chăn dọc người bé cho phẳng rồi gấp phần đuôi dưới chân vừa đủ không khiến bé bị duỗi thẳng chân hay co chân quá mức. Giấu góc chăn vào phần chăn trên ngực đã được dém chặt ở bước 2.

Bước 4: Dùng một tay đặt và giữ tay trái bé cố định ở ngực, sử dụng tay còn lại để quấn nốt phần chăn bên trái cũng theo hướng bao phủ từ vai. Tạo một điểm dừng ở phần tay để tạo cho con sự thoải mái nhất định, sau đó tiếp tục quấn phần dư xuống dưới lưng. Cố định góc chăn cuối cùng cũng ở phần ngực đã được dém chặt.

Video hướng dẫn: https://vimeo.com/80336950
2.2. Quấn chăn vòng tay lên
Quấn chăn vòng tay lên là cách quấn phù hợp cho bé độ tuổi từ 1 – 4 tuần tuổi, cơ thể vẫn cuộn tròn và có sở thích để hai tay gần mặt. Cách quấn này sẽ giữ cho móng tay của bé không tự cào xước mặt bởi các động tác vô thức khi ngủ. Mặt khác, nó cũng được cho là thích hợp với các bé không quá thích “bị quấn”. Vì đây là kiểu quấn tạo được cho bé rất nhiều không gian thoải mái để cựa quậy tay chân.
Cách thực hiện:
Bước 1: Sử dụng chăn có kích thước bất kỳ với một đầu chăn được gấp xuống.

Bước 2: Đặt em bé vào giữa chăn sao cho phần đầu nằm ngoài phạm vi chăn. Luồn tay phải bé vào phần hốc chăn được tạo ra bởi phần gấp ban đầu. Sau đó giữ tay con ở tư thế tự nhiên, kéo phần chăn bên phải quấn sang trái theo hướng bao phủ từ vai xuống dưới cánh tay trái. Cố định phần chăn thừa xuống lưng.

Bước 3: Gấp phần đuôi dưới chân bé lên trên sao cho không gian bên trong không bị bó chặt, bé có thể thoải mái duỗi hoặc co chân. Cố định góc chăn vào phần chăn ở ngực đã được dém chặt ở bước 2.

Bước 4: Đặt tay trái bé vào hốc chăn bên trái, giữ tay trái bé sao cho tạo với tay phải một hình chữ V. Quấn chặt phần chăn trái sang bên phải theo hướng bao phủ từ vai xuống. Cố định chăn giống như cách quấn chăn kiểu mô phỏng vòng tay mẹ.

Video hướng dẫn: https://vimeo.com/80336951
2.3. Quấn chăn kiểu cánh dơi
Quấn chăn kiểu cánh dơi dành cho bé độ tuổi 2 – 6 tuần tuổi, tư thế ngủ thích đặt tay lên ngực hoặc hay xoay người. Cách này giúp trẻ linh hoạt đặt tay ở vị trí mà bé cảm thấy bản thân thoải mái nhất.
Khác với những cách quấn khác, quấn chăn kiểu cánh dơi yêu cầu mẹ phải chuẩn bị 2 chiếc chăn quấn. Một chiếc bắt buộc hình vuông ở phía trong và một chiếc kích thước bất kỳ hoặc túi ngủ ở bên ngoài.
Cách thực hiện:
Bước 1: Gấp đôi chiếc chăn hình vuông thành một hình tam giác, đặt phần đáy tam giác hướng lên trên, đè lên chăn đã được gấp phần đỉnh xuống ở bên ngoài.

Bước 2: Đặt bé vào chính giữa của 2 chăn sao cho phần đầu nằm ngoài phạm vi trải chăn. Để tay bé tự nhiên, tại chăn hình vuông, quấn chăn bên phải vào theo hướng bao phủ từ vai vòng sang cánh tay trái. Sau khi giấu phần chăn dư vào lưng, thực hiện ngược lại cho phần chăn phía bên trái.
Bước 3: Quấn tiếp lớp chăn bên ngoài ôm theo phần vai-cánh tay của bé sang hướng ngược lại. Sau khi thực hiện quấn bên phải xong, gấp phần dưới chân lên và cố định góc chăn. Tiếp theo mới tiếp tục quấn phần chăn bên trái, cố định toàn bộ chăn giống như các cách đã kể trên.

Video hướng dẫn: https://vimeo.com/80339526
2.4. Quấn chăn kiểu Houdini
Harry Houdini là một ảo thuật gia đại tài trong biểu diễn trốn thoát. Vì thế một “em bé Houdini” ám chỉ những bé đã có khả năng “thoát” khỏi chăn quấn, thường ở độ tuổi 6 – 12 tuần, với tay và chân có thể quẫy đạp mạnh. Đây là cách quấn cánh tay và ngực nhưng thả lỏng hông, giúp cố định bé, đặc biệt là bé hay quấy khóc.
Quấn chăn kiểu Houdini cũng cần đến sự trợ giúp của 2 chiếc chăn, 1 chiếc chăn hình vuông bên trong, 1 chiếc chăn kích thước bất kỳ hoặc túi ngủ ở ngoài.
Cách thực hiện:
Bước 1: Gấp đôi chăn hình vuông thành một hình tam giác, hướng phần đáy lên trên. Đặt lên chăn lớn ở đã được gấp góc xuống ở ngoài.
Bước 2: Đặt em bé vào chính giữa của chăn sao cho phần đầu nằm ngoài phạm vi quấn chăn. Dùng một tay giữ tay phải bé, tay còn lại gấp phần bên phải của chăn hình vuông vào sao cho bao bọc toàn bộ cánh tay bé, và phần chăn thừa được luồn xuống dưới lưng. Thực hiện tương tự với phía bên tay trái.

Bước 3: Sử dụng phần chăn bên ngoài lần lượt quấn quanh người bé giống như quấn chăn kiểu cánh dơi.
Video hướng dẫn: https://vimeo.com/80339527
2.5. Quấn chăn cánh tay
Quấn chăn cánh tay phù hợp với bé độ tuổi 3 – 4 tháng, thích sở hữu không gian quẫy đạp nhưng vẫn cần quấn tay để ngủ ngon hơn. Đây là cách quấn đặc biệt phù hợp với những em bé lớn lên ở những vùng có khí hậu nóng.
Với cách quấn này, mẹ cần chuẩn bị một tấm chăn mỏng với kích thước lớn.
Cách thực hiện:
Bước 1: Gấp chăn thành hình tam giác nằm ngược. Chọn chăn sao cho sau khi gấp, độ cao từ đỉnh tới đáy tam giác ít nhất bằng với chiều dài cơ thể bé.
Bước 2: Tiến hành quấn cánh tay bé tương tự cách quấn kiểu Houdini. Tuy nhiên, phần chăn thừa không giấu sau lưng mà luồn dưới lưng và kéo hẳn sang phía ngược lại. Ngoài ra, phải đảm bảo tay con giữ ở trạng thái tự nhiên, không quấn quá chật. Thực hiện đồng thời cho cả hai bên trái phải.

Bước 3: Kéo hai góc chăn thừa lại ép sát bụng bé, sau đó cột thắt nút. Nút thắt phải vừa đủ chặt nhưng cũng không gây áp lực lên phần bụng con.

Video hướng dẫn: https://vimeo.com/80336953
2.6. Quấn kiểu cuộn tròn Burrito
Một cách quấn khác dành cho 3-4 tháng tuổi, khi ngủ đã có thể buông thõng tay xuống chính là quấn kiểu cuộn tròn Burrito. Cách quấn này mang đến cho con một không gian lớn để cử động chân, nhưng vẫn che chắn, giữ ấm được cho toàn bộ cơ thể.
Cách thực hiện
Bước 1: Trải khăn bình thường trên mặt phẳng.

Bước 2: Đặt em bé vào chính giữa sao cho đầu không nằm trong phạm vi quấn chăn. Một tay giữ tay phải bé, tay còn lại quấn chăn bao phủ từ vai xuống vòng qua dưới cánh tay trái, giấu góc chăn dưới lưng. Thực hiện tương tự với bên còn lại.

Bước 3: Mở rộng phần chăn thừa dưới chân bé, gấp chăn lên ngang phần ngực trẻ hoặc vị trí mà chân bé vẫn có thể tự do quẫy đạp. Lần lượt quấn hai bên phải trái và giấu góc chăn ở chỗ thích hợp.

Video hướng dẫn: https://vimeo.com/80339524
2.7. Quấn chăn cho trẻ sinh non
Quấn chăn cho trẻ sinh non áp dụng được cho mọi bé từ dưới 40 tuần tuổi trở xuống. Đặc biệt với trẻ sinh non, cách quấn này giúp bé duy trì được nhiệt độ cơ thể cần thiết và thích nghi tốt sau khi rời khỏi lồng ấp.
Cách quấn này cũng sử dụng một chăn vuông mỏng nhỏ ở bên trong và một lớp chăn to hơn bọc ở bên ngoài.
Cách thực hiện:
Bước 1: Đặt chăn vuông lên trên chăn lớn, đặt chăn sao cho 1 góc vuông bất kì hướng lên trên. Gấp phần góc vuông đó hướng về phía tâm chăn vuông.
Bước 2: Đặt em bé vào chính giữa chăn sao cho đầu không nằm trong phạm vi quấn chăn. Sử dụng chăn vuông quấn bé tương tự như cách quấn mô phỏng vòng tay mẹ cho bé ăn.

Bước 3: Tiếp tục quấn phần chăn bên ngoài bao quanh thân bé tương tự cách quấn chăn cánh dơi.
Video hướng dẫn: https://vimeo.com/80339525
3. Những sai lầm khi quấn chăn cho trẻ và tác hại của quấn chăn sai cách
Mặc dù kỹ thuật quấn chăn không thường gây khó khăn khi mẹ thực hành cho bé, nhưng nếu mẹ mắc phải một trong số các sai lầm dưới đây sẽ gây ra các hậu quả khó lường trước được.
- Quấn chăn che đầu và mặt của con: đầu thường là nơi tỏa nhiệt chính ở trẻ, việc quấn chăn che đầu dễ khiến trẻ bị nóng bí, đổ mồ hôi gây sốt. Tương tự, việc quấn chăn che mặt vừa ngăn cản hô hấp của trẻ, vừa có thể gây cho trẻ cảm giác thiếu an toàn.
- Ép thẳng hai chân của bé khi quấn: quấn chăn cho trẻ trong tư thế ép thẳng hai chân có thể khiến con bị ảnh hưởng đến xương và sự phát triển phần hông, chậu.
- Quấn chăn, quấn chũn quá chặt: quấn chăn quá chặt có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như trật khớp, sai khớp… cao gấp 10 lần so với khi trẻ được quấn chăn bình thường.
- Quấn chăn cho trẻ ở tư thế nằm sấp: quấn chăn cho trẻ ở tư thế nằm sấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đầu khiến bé có nguy cơ mắc phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
- Quấn chăn ngay cả khi trẻ đang thức: việc quấn chăn dù không quá chặt vẫn làm hạn chế các vận động tự nhiên của con. Vì thế, chỉ nên quấn chăn lúc ngủ, thời gian bé thức hãy để bé có thể tự do quẫy đạp theo sở thích.

4. Thời điểm ngừng quấn chăn cho trẻ
Chưa có ý kiến thống nhất nào về thời điểm ngừng quấn chăn cho trẻ. Có người cho rằng bé chỉ nên quấn chăn đến 2 tháng tuổi, nhưng cũng có ý kiến cho rằng dưới 6 tháng mới là lúc thích hợp. Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp quấn toàn thân chỉ khiến bé thoải mái khi bé từ 0-3 tháng tuổi. Ở độ tuổi lớn hơn, bé thích tự do hoạt động nên ưa chuộng hơn các kiểu quấn từ eo trở xuống.
Nhìn chung, việc quấn chăn vẫn rất có ích cho quá trình định hình tư thế ngủ đúng của con. Nếu con đã dần thích nghi được, mẹ hoàn toàn có thể không cần quấn chăn nữa.
5. Một vài lưu ý khác
Ngoài các mặt lợi, hại của việc quấn chăn, mẹ cũng nên lưu ý đến một số trường hợp không nhất thiết phải quấn chăn cho trẻ.
- Không bắt buộc quấn chăn cho trẻ khi ngủ: nếu bé có được tư thế tốt khi nằm ngủ, mẹ hoàn toàn không cần quấn chăn cho con. Việc này đôi khi chỉ khiến mẹ tốn thêm thời gian, thậm chí khiến con mất đi sự thoải mái vốn có.
- Không phải trẻ nào cũng ngủ ngon với cách quấn chăn: dù quấn chăn đúng cách có thể khiến nhiều trẻ ngủ ngon hơn, nhưng không phải trẻ nào cũng thích nghi với cách làm này. Nếu đã quấn chăn đúng cách mà bé vẫn khó chịu, quấy khóc, mẹ không nên cố chấp việc quấn chăn cho con.

Trên đây là toàn bộ những gì mẹ cần biết về cách quấn chăn cho bé ngủ ngon. Mong rằng những phương pháp này sẽ hỗ trợ mẹ chăm con sơ sinh tốt hơn, dỗ con ngủ dễ hơn và có thêm nhiều thời gian rảnh để phục hồi cho chính bản thân mình.