Khi trẻ mới ra đời, xương đỉnh đầu chưa phát triển hết tạo thành 2 khe hở, người ta gọi đó là thóp trước và thóp sau. Mặc dù đây là cấu tạo tự nhiên để bảo vệ vùng đầu của trẻ khi bị va đập, nhưng việc đầu “bị hở” làm nhiều mẹ không biết có nên đội mũ che thóp cho trẻ sơ sinh để tránh gió máy, khí lạnh hay không. Nếu bạn cũng đang có chung thắc mắc đó, đừng chần chừ tìm ngay câu trả lời chính xác trong bài viết dưới đây.

Nội dung
1. Nên hay không nên đội mũ che thóp cho trẻ sơ sinh?
Theo BS. Nguyễn Trí Đoàn đến từ Phòng khám quốc tế Victoria Healthcare Mỹ, việc bảo vệ thóp cho trẻ sơ sinh là việc cần làm, nhưng không phải lúc nào cũng đội mũ cho con. Với trẻ sơ sinh, đầu chính là bộ phận tản nhiệt chính, đội mũ che thóp không đúng cách, không đúng thời điểm sẽ chỉ khiến cho bé càng cảm thấy nóng bức, khó chịu trong người.
Hơn hết, vai trò của việc đội mũ về cơ bản vẫn là giữ ấm cho cơ thể còn yếu ớt của trẻ. Chính bởi vậy, che thóp ở trẻ nên được cân nhắc theo hai trường hợp sau:
- Bé sơ sinh sinh non, thiếu tháng, nhẹ cân, đề kháng yếu: đội mũ che thóp cho đến khi bé cứng cáp, khỏe mạnh hơn.
- Bé đủ tháng: chỉ cần đội thường xuyên trong 1-2 tháng đầu đời. Sau đó, mẹ chỉ đội cho bé khi trời lạnh, có gió, hoặc môi trường xung quanh không đủ độ ấm. Thông thường, nhiệt độ phòng tầm 28 – 30 độ là thích hợp để mẹ không cần phải đội mũ cho con.

2. Mẹ nên chọn mũ chất liệu gì và đội mũ thế nào cho con là đúng cách?
Về chất liệu, khi lựa chọn mũ cho con mẹ cần lưu ý chọn vải cotton 100%, vải xô hoặc vải sợi tự nhiên (sợi tre, sợi bông,…) để không gây kích ứng cho con, do làn da em bé rất mỏng manh, non nớt. Tùy vào thời tiết và tình huống sử dụng, mẹ có thể chọn những chiếc mũ dày hơn cho mùa đông và ưu tiên những chiếc mũ mỏng nhẹ, thoáng khí tốt để sử dụng vào mùa hè hoặc khi con ở trong nhà.
Về cách đội mũ, mẹ không nên đột ngột chụp mũ lên đầu con, điều này dễ khiến con bị hoảng hốt, giật mình. Thay vào đó, mẹ trước tiên hãy nhẹ nhàng nói chuyện với con nhằm đánh lạc hướng, sau đó mới từ từ đội mũ vào đầu con. Mẹ lưu ý không để vành mũ ở quá gần mắt vì có thể khiến ánh mắt con bị thu hút vào vị trí đó gây ngợp.

3. Những quan niệm sai lầm khi đội mũ che thóp cho bé
Rất nhiều mẹ sinh con lần đầu chưa có kinh nghiệm thường nghe theo các lời khuyên dân gian trong việc đội mũ che thóp cho con. Nhưng mấy ai biết, những “lời khuyên” đó không những sai lầm mà còn tiềm tàng rất nhiều mối nguy hại.
- Phải che thóp 24/24 trong nhiều tháng đầu đời: Đây là một quan niệm cực kỳ sai lầm nhưng rất nhiều mẹ đều mắc phải. Như đã đề cập trước đó, đầu của con là nơi tỏa ra nguồn nhiệt rất lớn, giải phóng đến 85% nhiệt lượng cơ thể, vì thế việc đội mũ 24/24 bất kể ngày đêm đang vô tình ngăn cản quá trình này. Nhiệt độ không được tỏa ra môi trường sẽ tích tụ trong không gian đội mũ, khiến con càng bị nóng đầu, đổ mồ hôi, thậm chí sốt nhẹ. Nguy hiểm hơn, trẻ bị ủ ấm quá mức cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng đột tử trẻ sơ sinh SIDS.
- Không che thóp làm bé bị cảm lạnh, đau ốm..: Việc che hay không che thóp không hề liên quan đến việc bé đau ốm hay cảm lạnh. Khoa học đã chứng minh, nguyên nhân gây cảm lạnh, cúm đều do virus gây ra, đa phần xâm nhập và tấn công qua đường hô hấp. Mặt khác, như đã phân tích ở trên, đội mũ che thóp “quá kĩ” đôi khi còn phản tác dụng và khiến cho trẻ càng tăng cao nguy cơ bị bệnh hơn bình thường.
- Che thóp là để bảo vệ bộ phận này đến khi nó liền lại hoàn toàn: Thóp là cơ chế tự nhiên của cơ thể trẻ, trên thực tế có vai trò rất quan trọng giúp bảo vệ đầu và não bộ. Nhờ có thóp, đầu trẻ giữ được trạng thái ổn định trước sự chênh lệch áp suất bên trong và bên ngoài bụng mẹ. Do vậy bé sinh ra dù bị chèn ép đầu nhưng không hề có cảm giác đau đớn, không gây chảy máu và để lại di chứng bên trong. Ngoài ra, thóp còn là lớp đệm đàn hồi để hạn chế chấn thương não cho trẻ khi con ở thời kỳ hiếu động, thường di chuyển và dễ bị va đập với đồ đạc trong nhà. Vì thế, việc che thóp tránh gió là không cần thiết, bảo vệ thóp tránh khỏi va đập mới là điều quan trọng ba mẹ phải lưu tâm.

4. Giải đáp một số thắc mắc khi mẹ đội mũ cho bé
Sau khi đã hiểu rõ sự tồn tại của thóp, vấn đề có nên đội mũ che thóp cho trẻ sơ sinh, mẹ ắt hẳn đã dần nhận ra những gì mình phải làm. Để hỗ trợ mẹ tốt hơn nữa, dưới đây là câu trả lời cho một số thắc mắc phổ biến nhất từ các mẹ bỉm sữa.
4.1. Có nên đội mũ cho trẻ sơ sinh khi nằm điều hòa?
Nhiệt độ phòng thích hợp để trẻ sơ sinh không cần phải đội mũ giữ ấm là từ 28-30 độ. Nếu mẹ bật điều hòa ở mức nhiệt này trở lên, mẹ có thể không cần đội mũ để đầu con được thông thoáng hơn. Ngược lại, dưới hoặc ngang mức nhiệt độ này, mẹ cần đội mũ, đắp chăn và giữ ấm đầy đủ cho con. Tốt nhất mẹ nên duy trì mức nhiệt độ từ 26 độ trở lên, tuyệt đối không để nhiệt độ quá thấp sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của bé.
4.2. Không đội mũ cho trẻ sơ sinh có sao không?
Như trong bài viết đã đề cập, đội mũ chỉ có tác dụng giữ ấm và bảo vệ thóp tránh va đập, không phải món đồ “thần thánh” có thể khiến con tránh cảm sốt, cúm mùa. Vì thế, nếu nhiệt độ phòng ở ngưỡng 28-30 độ, không đội mũ không những không gây ra vấn đề gì mà càng giúp con thoải mái, dễ chịu hơn.
4.3. Có nên đội mũ cho trẻ 2 tháng tuổi?
Trẻ 2 tháng tuổi vẫn còn rất non nớt nên cần được giữ ấm, bảo vệ kỹ lưỡng. Mẹ nên đội mũ cho trẻ khi trẻ ngủ dưới điều hòa hoặc bật quạt và khi thời tiết lạnh. Nếu trời nóng, mẹ linh động xem xét, thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể con để quyết định việc có nên đội mũ hay không.

Tới thời điểm này, có lẽ mẹ đã có được câu trả lời hoàn hảo về việc có nên đội mũ che thóp cho trẻ sơ sinh hay không. Che chắn thóp không bị va đập là điều cần thiết, nhưng đội mũ che thóp tránh gió lại là quan niệm tương đối sai lầm. Mong rằng qua bài viết, mẹ sẽ nhận ra những điều nên và không nên làm, qua đó càng ngày càng trở thành một bà mẹ toàn diện, chăm sóc con tốt nhất!