Trang chủ Nuôi con 5 bước dạy bé biết gọi khi đi vệ sinh hiệu quả,...

5 bước dạy bé biết gọi khi đi vệ sinh hiệu quả, dễ áp dụng cho mẹ

Bé ở độ tuổi từ 18 tháng đến 3 tuổi là thời điểm thích hợp để tập bỏ bỉm. Bước quan trọng đầu tiên trong hành trình bỏ bỉm cho bé đó là dạy bé biết gọi khi đi vệ sinh. Vậy làm thế nào để bé có thể thực hành một cách đơn giản và hiệu quả nhất thì mẹ hãy theo dõi bài viết ngay sau đây nhé nhé.

Bước 1: Chuẩn bị tinh thần cho cả mẹ và bé

Để bắt đầu dạy bé biết gọi khi muốn đi vệ sinh, việc đầu tiên mẹ cần là xác định bé con đã sẵn sàng “hợp tác” với mẹ hay chưa. Để chắc chắn bé đã sẵn sàng mẹ có thể đánh giá khả năng và các dấu hiệu cảm xúc của bé:

Đánh giá khả năng của bé

  • Bé có thể nói được một số từ cơ bản liên quan đến việc đi vệ sinh như tè tè/ xi xi,… Thông thường thời điểm thích hợp cho thấy bé sẵn sàng là khoảng 2 tuổi.
  • Bé biết phân biệt giữa khô và ướt, biết ra dấu hiệu cho người thân khi thấy bỉm tã bị ướt, bị bẩn bằng các biểu hiện như dứt tã, đòi cởi tã.
  • Bé phân biệt được giữa đi tè và đi ị.
  • Bé có thể tự di chuyển xung quanh để đi gọi mẹ khi muốn đi vệ sinh.
  • Bé có thể tự cởi quần, kéo quần.
  • Bé có khả năng bắt chước theo những hành động, lời nói mà mẹ dạy bé. 
  • Bé hình thành được thói quen đi vệ sinh đúng giờ. Bỉm của bé có thể giữ khô trong 2 đến 3 giờ. Điều này giúp mẹ đánh giá được bàng quang của con đã hoàn thiện hay chưa, con đã có chủ động kiểm soát hoạt động đi tiểu của mình hay chưa?
  • Bé có thể ý thức được việc muốn đi vệ sinh và có thể nhịn tiểu một chút trong lúc ra dấu hiệu cho mẹ. Con đã sẵn sàng cho bài học đầu tiên rồi ạ.

Đánh giá cảm xúc của bé

  • Bé cảm thấy khó chịu và biết ra dấu hiệu cho người thân khi thấy bỉm tã bị ướt, bị bẩn. 
  • Bé biết vui mừng khi được khen. 
bé đi vệ sinh
Mẹ hãy đợi cho đến khi con sẵn sàng, mẹ nhé!

Tinh thần của mẹ

Bên cạnh những dấu hiệu từ phía bé, mẹ cũng cần chuẩn bị tinh thần, vì dạy bé gọi đi vệ sinh không phải chuyện “ngày một ngày hai” có thể thành công:

  • Kiên trì với bé: Bài học đầu tiên này sẽ chẳng đơn giản chút nào, cho nên mẹ phải thật sự kiên nhẫn. Cần rèn luyện hàng ngày, liên tục thì thói quen mới dần dần được hình thành. Thời gian đồng hành cùng con có thể kéo dài nhiều hơn 2 tháng. Luôn tích cực và kiên trì, chắc chắn cả hai mẹ con sẽ thành công.
  • Nhẹ nhàng: Không mắng bé nếu bé có lỡ làm ướt quần, đừng quá thúc ép con, con và mẹ đều là lần đầu.
  • Khích lệ và khen thưởng bé: Dành lời khen ngợi, cổ vũ hay tặng quà sẽ khiến bé chú ý ghi nhớ và cố gắng làm tốt hơn.

Bước 2: Quan sát lịch trình của bé và cho bé đi vệ sinh đúng giờ

Mẹ cần tập cho bé đi vệ sinh đúng giờ, có thể chính xác ở một khoảng thời gian cố định nào đó như: trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, sau bữa ăn,… Việc này vừa là bài tập cho bàng quang của bé và là để mẹ xác định được thời gian bé buồn đi vệ sinh để nhắc con về việc gọi mẹ đi vệ sinh.

Cách tập cho bé đi vệ sinh đúng giờ:

  • Nhắc bé đi vệ sinh trước giờ cố định, kèm với việc thủ thỉ với bé về vấn đề gọi mẹ hay ra dấu cho mẹ nếu con muốn đi vệ sinh. 
  • Cho bé ngồi bô 15-30 phút ở những thời điểm cố định: sau ăn, trước khi ngủ,…
  • Ngày nào cũng thực hiện đúng giờ như vậy bé sẽ tự dần hình thành thói quen cho mình.
bé ngồi bô
Mẹ quan sát để biết thói quen đi vệ sinh của bé

Bước 3: Dạy bé ra tín hiệu cho mẹ khi muốn đi vệ sinh 

Bước 1: Cho bé làm quen trước bằng hình ảnh

Hoạt động ngôn ngữ của bé còn hạn chế, bé hiện tại vẫn tiếp nhận thông tin bằng hình ảnh là chủ yếu. Mẹ kết hợp sử dụng lời nói thân mật, nhẹ nhàng cùng các video ngộ nghĩnh/ thu hút bé để bước đầu giới thiệu cho bé biết cách gọi khi đi vệ sinh. Tranh ảnh hay câu chuyện liên quan sẽ giúp bé dần làm quen dần và có ý thức rõ ràng hơn khi bắt đầu thực hành.

Bước 2: Đặt tên ngộ nghĩnh hay ký hiệu riêng cho việc đi vệ sinh

  • Đặt tên cho việc đi vệ sinh tạo hứng thú và gây được ấn tượng cho bé. Quy định với bé một từ ngữ nào đó như ị/ tè/ xi xi,.. khi bé muốn đi vệ sinh. Mỗi khi muốn đi vệ sinh bé sẽ nói cái tên đó ra như một phản xạ có điều kiện.
  • Nếu bé có khó khăn trong vấn đề giao tiếp, vấn đề ngôn ngữ mẹ hoàn toàn có thể sử dụng dấu hiệu/ ký hiệu riêng.

Lưu ý: Nên dùng từ ngữ ngắn gọn, gần gũi.

Bước 3: Minh họa trực quan

Mẹ hãy giải thích ngay cho bé khi anh/ chị/ bạn gọi mẹ khi muốn đi vệ sinh. Bé sẽ học hỏi và bắt chước theo ngay.

Bước 4: Trò chuyện và dặn dò

Mẹ trò chuyện và dặn bé nhẹ nhàng rằng khi muốn đi vệ sinh con cần ra tín hiệu cho mẹ, để mẹ giúp đỡ con. Những câu chuyện về một bạn gấu hay thỏ gì đó liên quan đến vấn đề, có thể khiến bé hứng thú hơn nhiều.

Mẹo cho mẹ: Mẹ mua cho bé một chiếc quần xinh xắn, bắt mắt – một chiếc quần bé vô cùng yêu thích thì bé sẽ không lỡ làm ướt nó đâu ạ. Mẹ có thể gây ấn tượng với bé bằng cách gọi chiếc quần như một người bạn, mẹ với bé nói lời “xin lỗi bạn quần và hứa sẽ bảo vệ bạn luôn sạch sẽ”.

dạy bé biết gọi khi đi vệ sinh
Mẹ và bé cùng nhau hợp tác, chắc chắn sẽ thành công

Bước 4: Liên tục nhắc nhở bé chuyện gọi mẹ khi muốn đi vệ sinh

Thói quen sẽ dần được hình thành trong thời gian dài thực hiện. Sự nhắc nhở liên tục sẽ giúp con chú ý và ghi nhớ việc cần phải làm. Việc nhắc nhở cần thực hiện thường xuyên và liên tục mỗi lần cho bé đi vệ sinh, đặc biệt trong thời gian đầu luyện tập.

Mẹ có thể thực hiện như như dưới đây: 

  • Hỏi bé đã muốn đi vệ sinh chưa theo lịch đi vệ sinh mà mẹ đã quan sát như ở trên. 
  • Nếu bé gật đầu thì nhắc nhở bé về câu chuyện mẹ đã kể “Con buồn đi vệ sinh thì con cần làm gì nhỉ? À đúng rồi, con cần gọi mẹ giúp đỡ nhé! Con sẽ nói gì nhỉ? Xi xi/ tè tè…

Lưu ý cho mẹ trong quá trình dạy bé biết gọi khi đi vệ sinh

Một vài chú ý sau đây sẽ giúp mẹ nhiều hơn trong quá trình dạy bé:

  • Việc tập cho bé tự gọi khi đi vệ sinh thường bắt đầu khi bé được 14 – 18 tháng tuổi. Nếu bé đã trên 18 tháng tuổi mà vẫn chưa có những biểu hiện sẵn sàng, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn sớm nhất.
  • Hãy nhẹ nhàng với con và dạy con cách gọi mẹ trước. Không nên trách mắng hay đánh trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ có cảm giác sợ hãi cho những lần đi vệ sinh về sau. 
  • Luôn nhớ rằng tinh thần của mẹ là yếu tố quan trọng trong bất kỳ hành trình giáo dục nào đối với trẻ.

Bài viết trên đây đã trình bày khá chi tiết các bước dạy bé biết gọi khi đi vệ sinh cũng như một vài bí kíp, một vài mẹo, một vài lưu ý cho mẹ. Hy vọng rằng những thông tin trên hữu ích với mẹ. Chúc mẹ và bé thành công!

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây